
Cặp vợ chồng sáng gửi tiết kiệm hơn 42 tỷ đồng, đến chiều số dư chỉ còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: “Ngân hàng chỉ phải chịu 20% trách nhiệm”
hieu
- 0
Tin tưởng sai người, cặp vợ chồng Trung Quốc mất sạch tiền gửi tiết kiệm.
Ngày 20-11-2024, Đời sống Pháp luật đưa tin “Cặp vợ chồng sáng gửi tiết kiệm hơn 42 tỷ đồng, đến chiều số dư chỉ còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: “Ngân hàng chỉ phải chịu 20% trách nhiệm””. Nội dung chính như sau:
Tin tưởng sai người, cặp vợ chồng Trung Quốc mất sạch tiền gửi tiết kiệm.
Vợ chồng chị Đinh ở huyện Thanh Từ, Trung Quốc, vốn là chủ một xưởng chế biến thực phẩm. Sau nhiều năm kinh doanh, họ cũng đã tích góp được một khoản tiền lớn là 12 triệu NDT (hơn 42 tỷ đồng). Thay vì dùng số tiền đó để mở rộng sản xuất hay đầu tư, cặp vợ chồng này quyết định gửi tiết kiệm ở ngân hàng để sinh lời an toàn.
Vào tháng 5/2019, qua lời giới thiệu của anh Vương, nhân viên một ngân hàng trên địa bàn, vợ chồng chị Đinh đã chia khoản tiền trên thành 2 phần và gửi tiết kiệm tại ngân hàng nơi anh Vương đang làm việc.
Anh Vương cũng cho biết những khách hàng có số tiền gửi lớn sẽ được ngân hàng tặng quà và chị Đinh là một trong số đó. Chỉ cần chị đưa biên lai gửi tiền và CCCD, anh Vương sẽ giúp chị nhận món quà này.
Tuy nhiên vài ngày sau đó, người phụ nữ này không những không nhận được quà mà CCCD hay biên lai tiền gửi của chị cũng không được trả lại. Mỗi lần chị Đinh liên hệ để xin lại giấy tờ, anh Vương đều lấy lý do bận rộn để né tránh.
Cảm thấy có điều gì đó không ổn, người phụ nữ này quyết định đến ngân hàng kiểm tra thì được thông báo rằng số dư tài khoản tiết kiệm của mình đều là 0 đồng. Không những thế, những khoản tiền này đều biến mất 1 cách khó hiểu.
Theo đó, hơn 7 triệu NDT (hơn 24 tỷ đồng) tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm đầu tiên của chị Đinh có biên lai gửi tiền nhưng lại không có trong dữ liệu của ngân hàng. Điều này có nghĩa là tài khoản tiết kiệm này của chị không tồn tại.
Trong khi đó, 5 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng) – số tiền ở tài khoản tiết kiệm thứ 2, được chị Đinh gửi vào buổi sáng lại bị chuyển đi trong buổi chiều mà không hề có tin nhắn thông báo của ngân hàng.
Ảnh minh họa: Internet
Ngay sau đó, vợ chồng chị Đinh đã trình báo vụ việc trên cho cảnh sát địa phương. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện số tiền 5 triệu NDT tiền gửi trong tài khoản thứ 2 của chị Đinh đã bị nhân viên họ Vương chiếm đoạt và chuyển vào tài khoản của cha anh ta.
Nghe vậy, người phụ nữ này đã lập tức liên hệ với ngân hàng trên và yêu cầu họ trả lại tiền cho mình. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này đã phủ nhận trách nghiệm.
Họ cho rằng biên lai gửi tiền của chị Đinh là giả và cho biết nhân viên họ Vương mà người phụ nữ này nhắc đến chưa từng làm việc tại ngân hàng của họ.
Mâu thuẫn giữa 2 bên kéo dài đến tháng 4/2020, vợ chồng chị Đinh quyết định kiện ngân hàng này ra tòa, yêu cầu họ chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại về khoản tiết kiệm 5 triệu NDT của mình.
Sau khi xem xét vụ án, Thẩm phán cho biết chị Đinh đã mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng này, điều đó có nghĩa là 2 bên đã hình thành mối quan hệ hợp đồng tiền gửi tiết kiệm.
Trong vụ việc này, ngân hàng liên quan với tư cách là một tổ chức tài chính cần có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho tiền gửi của khách hàng. Do đó, đơn vị này phải nhận một phần trách nhiệm.
Mặc khác, với tư cách là người gửi tiền, chị Đinh cũng phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin tài khoản của mình. Tuy nhiên, chị lại cung cấp thông tin cho người khác là anh Vương, từ đó gây ra thất thoát không đáng có. Do đó, chị Đinh cũng phải có trách nghiệm tương ứng.
Cuối cùng, vào ngày 2/9/2021, Tòa án quận Thanh Từ đã đưa ra phán quyết sơ thẩm, tuyên bố trong vụ việc này chị Đinh phải chịu 80% trách nhiệm và ngân hàng liên quan chịu 20% trách nhiệm.
Không đồng tình với phán quyết của Tòa án quận Thanh Từ, vào ngày 2/11/2021, chị Đinh tiếp tục kháng cáo. Người phụ nữ này cũng cho biết chị sẽ tiếp tục khởi kiện để đòi lại 7 triệu NDT còn lại.
Dù kết quả của vụ kiện không được công bố, thế nhưng câu chuyện này cũng là bài học sâu sắc cho những người đã, đang và sẽ tham gia dịch vụ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Tòa án cũng khuyên khách hàng muốn gửi tiền ở các đơn vị tài chính cần phải cảnh giác khi được nhân viên trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên.
Ngày 07/04/2025, Đời sống Pháp luật đưa tin “Cô gái sinh năm 1994 có khoản nợ xấu 4,9 tỷ đồng, bị ngân hàng khởi kiện vì không trả tiền, toà án khẳng định: “Khách hàng qua đời từ 25 năm trước””. Nội dung chính như sau:
Theo Sohu, vào tháng 1/2023, Toà án nhân dân quận Giang Tân, Trùng Khánh, Trung Quốc đã tiếp nhận đơn kiện của một ngân hàng tại địa phương. Theo đó, một khách hàng mang tên Trần Phương Phương (sinh năm 1994) đã làm thủ tục vay số tiền lên đến 1,39 triệu NDT (khoảng 4,9 tỷ đồng) tại nhà băng này từ năm 2021, nhưng sau đó không trả.
Ảnh minh hoạ
Theo ngân hàng, nhiều cuộc điều tra về thông tin của vị khách này đã diễn ra. Tuy nhiên, họ không thể xác minh được danh tính người này. Trong tình huống này, ngân hàng dự đoán có 2 khả năng xảy ra. Một là thông tin của người vay tiền không chính xác. Hai là người này đã qua đời và cơ quan chức năng tại địa phương chưa huỷ thông tin nhận dạng.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, thẩm phán La Kiến đã tìm đến quê hương của Trần Phương Phương, một làng miền núi hẻo lánh ở Phùng Tiết, Trung Quốc. Tại đây, ông đã được người làng thông tin rằng Trần Phương Phương đã qua đời từ khi 4 tuổi. Nên không có chuyện một bé gái 4 tuổi đã qua đời cách đây 25 năm lại có thể vay được tiền vào năm 2021.
Còn về bố mẹ của cô bé này, họ đã chuyển đến Vạn Châu, Trung Quốc. Từ đây, cơ quan chức năng tìm gặp bố của Trần Phương Phương để làm rõ mọi chuyện.
Nút thắt của vấn đề dần được gỡ rối. Hoá ra, sau khi Trần Phương Phương qua đời vào năm 1998, cha cô đã không huỷ hộ khẩu nhằm lừa đảo để vẫn được hưởng trợ cấp.
Trong cuộc điều tra dân số năm 2014, cha của Trần Phương đã nhờ cháu gái là Trần Yến nộp đơn xin cấp thẻ căn cước mới bằng danh tính của Trần Phương Phương.
Khi đó, Trần Yến chỉ là một thiếu niên và không hiểu biết về luật pháp nên làm theo yêu cầu. Từ đây, cô gái này có 2 thẻ căn cước. Một thẻ với thông tin chính xác của mình. Một thẻ căn cước là hình của Trần Yến nhưng mọi thông tin đều thuộc về Trần Phương Phương.
Từ đây, cơ quan chức năng triệu tập Trần Yến đến trụ sở cảnh sát để làm việc. Đối tượng này đã giải thích toàn bộ quá trình mạo danh thông tin danh tính của Trần Phương Phương.
Theo đó, năm 2021, Trần Yến được 2 người đàn ông tên Hà và Chu rủ đầu tư bất động sản. Theo lời dụ dỗ cô cần đứng tên làm các thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng sẽ không phải trả nợ. 2 đối tượng này cam kết sẽ chịu trách trả nợ gốc và lãi. Sau khi mỗi căn nhà được bán đi, Trần Yến sẽ nhận được số tiền hoa hồng là 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng).
Tin tưởng vào những hứa hẹn, cô gái này đã dùng căn cước của mình và của Trần Phương Phương làm thủ tục vay tiền tại ngân hàng. Theo cách này, một bé gái 4 tuổi, đã qua đời 25 năm trước trở thành người đứng tên khoản vay 1,39 triệu NDT.
Tuy nhiên, chưa kịp hưởng lợi từ phi vụ này, 2 người đàn ông mời gọi Trần Yến đầu tư bất động sản bị cảnh sát bắt giữ vì lừa đảo.
Từ vụ án chấn động này, cơ quan cảnh sát quận Vạn Châu, Trùng Khánh, Trung Quốc dần phát hiện ra Trần Yến có đến 2 thẻ căn cước. Sau khi xác minh, căn cước của Trần Phương Phương bị huỷ bỏ.
Đến lúc này, thông tin về sự qua đời của Trần Phương Phương mới được thêm vào hệ thống thông tin của cơ quan chức năng. Đây chính là lý do vì sao ngân hàng không tìm được thông tin của người đứng tên khoản vay 1,39 triệu NDT mang tên Trần Phương Phương.
Ảnh minh hoạ
Sau khi sự việc rõ ràng trắng đen, toà án tiến hành xét xử vụ án vào năm 2023. Thẩm phán khẳng định Trần Phương Phương đã qua đời cách đây 25 năm.
Nên khoản nợ 1,39 triệu NDT sẽ do Trần Yến chịu trách nhiệm chi trả cho ngân hàng. Đối tượng này cũng bị kết án 6 tháng tù và chịu số tiền phạt là 10.000 NDT do sử dụng giấy tờ tùy thân giả để vay tiền ngân hàng.
Nguồn :https://blogtamsu.vn/sang-den-ngan-hang-gui-tiet-kiem-42-ty-chieu-tai-khoan-con-0-dong-cap-vo-chong-mat-het-tai-san-chi-vi-mot-sai-lam-111474.html